Ngộ nhận Hàn lâm viện

Ngộ nhận về Hàn Lâm

Ngày nay, khi nói hoặc viết về danh từ Hàn lâm tại các triều đại quân chủ Á Đông xưa, Hàn lâm thường được hiểu là một danh từ dùng để chỉ Hàn lâm viện tức nhóm văn đàn trong triều đình gồm các quan Hàn lâm học sĩ là những vị quan văn hay chữ tốt, uyên thâm kinh truyện, chuyên soạn thảo văn kiện triều đình. Tuy vậy, trong rất nhiều những bài viết, sách, hoặc thảo luận hiện thời, Hàn lâm còn được biết đến là danh từ để chỉ những chức quan tầm thường, như hầu trà, bói toán, y sĩ, v.v. Đây là một ngộ nhận.

Thật ra, từ khi bắt đầu được dùng vào những năm 700 thời Đường, danh từ Hàn lâm thường được hiểu là một danh từ dùng để chỉ các chức vụ, cơ quan với ý nghĩa là các thuộc viên hoặc người giữ chức Hàn lâm có trình độ cao hoặc có tay nghề chuyên môn uyên thâm, dù các chuyên môn này có thể không liên quan đến văn học, nghệ thuật, kinh truyện. Vì lý do trên mà tên Hàn lâm còn được gắn trước các chức không thuộc văn học như Hàn lâm y khoa viện (翰林醫官院, Medical Institute). Năm Khai Nguyên 26 (738), vua Đường Huyền Tông lệnh đặt Hàn lâm viện với các Hàn lâm học sĩ để phân biệt với các hạng Hàn lâm hoặc học sĩ khác. Hàn lâm học sĩ là các vị học sĩ văn hay chữ tốt, uyên thâm kinh truyện, chuyên soạn thảo văn kiện triều đình, không liên quan đến các chuyên ngành khác như y dược, bói toán, binh bị, v.v. Danh từ Hàn lâm với ý nghĩa uyên thâm kinh sách, văn hay chữ tốt thường được hiểu ngày nay là chức Hàn lâm học sĩ này.

Ngoài ra, thời Tống, Hàn lâm viện còn được biết là cơ quan chuyên trách các thú vui tao nhã triều đình (xem thêm tại mục Lịch sử - thời Tống). Việc này đã gây nên ngộ nhận Hàn lâm không còn là nơi văn đàn với các Hàn lâm học sĩ uyên thâm. Đây lại là một ngộ nhận khác. Thời Tống, Hàn lâm viện (翰林院, Artisans Institute) thuộc Nội sử sảnh (內侍省, Department of Service) không liên quan đến Hàn lâm viện (翰林院, Hanlin Academy) thuộc Học sĩ viện (學士院, Institute of Academicians). Các vị Hàn lâm học sĩ thời Tống thuộc về Hàn lâm viện (翰林院, Hanlin Academy) thứ 2 này.

Ngộ nhận về Học Sĩ

Trái lại với ngộ nhận về Hàn Lâm, danh từ Học sĩ lại được hiểu là danh từ chỉ giới hạn trong Hàn lâm viện. Đây là một ngộ nhận. Học sĩ nguyên là danh từ đã được đặt thời Chiến Quốc, khi nước Tề triệu tập các học giả giảng dạy học trò, thảo luận học thuật, tham gia chính sự. Thời Ngụy Tấn, triều đình triệu tập những quan có học vấn cao để định chế điển lễ, biên soạn quốc sự, thực lục, gọi chung là Học sĩ. Năm Khai Nguyên 26 (738), vua Đường Huyền Tông lệnh đặt Học sĩ viện để điều hành các quan học sĩ, nhưng đồng thời, lập riêng Hàn lâm viện là tổ chức gồm các học sĩ thật uyên thâm trong triều đình, chuyên soạn thảo các văn kiện quan trọng, khác với các chức học sĩ khác do Học sĩ viện điều hành. Vì vậy, danh từ Học sĩ bao gồm cả Hàn lâm học sĩ tại Hàn lâm viện lẫn các chức học sĩ khác như Tường chính học sĩ (詳正學士, Academician Editor) tại Hoằng văn quán (弘文館, Institute for the Advancement of Literature). Tất cả các chức học sĩ đều liên quan đến việc soạn thảo văn kiện triều đình và có các cấp bậc khác nhau. Riêng Hàn lâm học sĩ chuyên trách việc soạn thảo văn kiện quan trọng trong triều đình. Hàn lâm học sĩ là một chức vụ chưởng quan như thời Minh, Thanh hoặc là nhóm học sĩ đứng đầu Hàn lâm viện với các thuộc quan Trực học sĩ, Thị độc học sĩ, Thị giảng học sĩ, Thị thư học sĩ, Tu soạn, Biên soạn, v.v. Các học sĩ khác ngoài Hàn lâm học sĩ được sử dụng trong Trung thư sảnh (中書省, Secretariat), Tập hiền viện (集賢院, Academy of Scholarly Worthies), Chiêu văn quán (昭文館, Institute for the Glorification of Literature) hoặc các bộ như Binh bộ phụ trách việc soạn thảo văn thư.

Tại các triều đại Trung Hoa, trong quan chế Hàn lâm viện, Học sĩ là một hàm cao quý nên một chức được gắn hàm Học sĩ cao quý hơn chức không được gắn hàm này và có thể có phẩm trật cao hơn. Ví dụ, chứcThị độc học sĩ (侍讀學士, Academician Reader-in-waiting) là chức cao quý hơn Thị độc (翰林, Reader-in-waiting). Tại các triều đại Việt Nam, trước thời Hồng Đức, việc phong hàm Học sĩ được áp dụng tương tự như tại Trung Quốc. Từ thời Hồng Đức (1470) đến thời Nguyễn Minh Mạng (1820), chức Học sĩ được bãi bỏ như Hàn lâm học sĩ thừa chỉ được đổi thành Hàn lâm thừa chỉ, mặc dù vẫn thấy trong sử Việt có 1 lần nhắc đến chức này thời chúa Trịnh[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hàn lâm viện http://zidian.reader8.cn/16hua/15723.html http://www.360doc.com/content/15/0702/16/17799864_... http://baike.baidu.com/view/36458.htm http://3.bp.blogspot.com/-2XEyKXOLwLQ/UiLAhOKLoKI/... http://www.chinaknowledge.de/History/Terms/hanliny... http://lemanhchien41.blogspot.fr/2013/08/luoc-khao... http://www.vjol.info/index.php/khxhvn/article/view... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1...